Làm gì khi thất nghiệp quá lâu?
Thất nghiệp là vấn đề mà ai cũng có thể gặp phải, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Một phần do ảnh hưởng của chu kì suy thoái kinh tế toàn cầu, theo sau đó là ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế thế giới đình trệ.
Khi phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp kéo dài, nhiều người cảm thấy lo lắng, chán nản và mất phương hướng. Tuy nhiên, thay vì chìm trong những cảm xúc tiêu cực, hãy chủ động tìm kiếm giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
1. Tham gia khóa học để nâng cao kiến thức chuyên ngành
Tham gia các khóa học để cập nhật kiến thức và kỹ năng mới là một cách tuyệt vời để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động. Bạn có thể tham gia các khóa học trực tuyến cung cấp chứng chỉ, tham gia lớp học trực tiếp hoặc tham gia các workshop chuyên môn.
Ngoài ra, với xu hướng hội nhập hiện nay, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều công ty đa quốc gia. Vì vậy, bạn có thể dành thời gian này để học thêm một ngoại ngữ mới, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo ra cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn hơn.
2. Tìm kiếm công việc làm tự do (freelance)
Nếu bạn thất nghiệp trong thời gian dài và không có nguồn tiền dự trữ, có thể xem xét làm việc tự do (freelance). Công việc tự do cho phép bạn làm việc cho nhiều khách hàng khác nhau và kiếm thêm thu nhập từ các dự án. Bạn có thể tìm kiếm công việc tự do trên các nền tảng trực tuyến như Upwork, Freelancer, Fiverr và nhiều nền tảng khác.
Dự án tự do có thể giúp bạn tích lũy kinh nghiệm, xây dựng mạng lưới chuyên môn và tạo ra thu nhập trong khi bạn tiếp tục tìm kiếm công việc lâu dài. Đồng thời, công việc tự do cũng có thể mang lại cơ hội làm việc từ xa, cho phép bạn làm việc từ bất kỳ đâu mà có kết nối internet.
3. Cập nhật CV
Để tăng cơ hội nhận được công việc mong muốn, bạn cần có một CV ấn tượng và kỹ năng phỏng vấn tốt. Hãy cập nhật CV thường xuyên để phù hợp với yêu cầu của các công việc bạn đang ứng tuyển. Nêu bật những kỹ năng và kinh nghiệm quan trọng nhất trong CV.
Hiện nay có khá nhiều trang web, công cụ online cũng như AI cho phép người tìm việc có thể tạo CV một cách nhanh chóng một cách cá nhân hóa. Ngoài ra người tìm việc cũng có thể nhờ chuyên gia tư vấn nghề nghiệp hỗ trợ trong quá trình viết CV.
Nếu đã có một CV hoàn chỉnh vậy thì việc tiếp theo chính là luyện tập kỹ năng phỏng vấn để tự tin và chuyên nghiệp trong buổi phỏng vấn xin việc.
4. Mở rộng mối quan hệ
Mở rộng mối quan hệ là một cách hiệu quả để tìm kiếm cơ hội việc làm. Tham gia các nhóm nghề nghiệp, kết nối với bạn bè và đồng nghiệp cũ, và tham dự các sự kiện networking là những cách tuyệt vời để gặp gỡ những người có thể giúp bạn tìm được việc làm.
Hơn nữa, một mẹo nhỏ cho các ứng viên là giữ mối quan hệ với những người làm trong lĩnh vực nhân sự. Điều này giúp bạn có thể tận dụng được mạng lưới trong cộng đồng nhân sự. Bạn có thể nhờ những người làm nhân sự đáng tin cậy chia sẻ CV của bạn để tiếp cận với nhân sự của các công ty khác.
5. Dành thời gian cho bản thân và gia đình
Thất nghiệp có thể là một giai đoạn khó khăn và đầy áp lực. Hãy dành thời gian cho bản thân và gia đình để thư giãn và nạp lại năng lượng sau chuỗi ngày làm việc mệt mỏi.
Bạn có thể tham gia các hoạt động mà bạn yêu thích, dành thời gian cho những người thân yêu và chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn. Và đặc biệt, bạn nên chăm sóc sức khỏe bản thân bằng cách ăn uống đầy đủ, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc, duy trì thói quen lành mạnh.
Hãy nhớ rằng, thất nghiệp không phải là dấu chấm hết cho sự nghiệp của bạn. Quan trọng nhất là duy trì tinh thần lạc quan và kiên nhẫn trong quá trình tìm kiếm việc làm. Đừng nản lòng hoặc từ bỏ. Hãy tiếp tục nỗ lực và sẵn sàng thích ứng với thay đổi. Sự kiên nhẫn và quyết tâm sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn và tìm được việc làm phù hợp.