Điều gì thúc đẩy bạn làm việc mỗi ngày?

Điều gì thúc đẩy bạn làm việc mỗi ngày?

Mỗi buổi sáng thức dậy, tiếng chuông báo thức vang lên như một lời nhắc nhở về ngày mới đầy hối hả, với vô số công việc chờ đợi. Khi mở mắt, bạn có bao giờ tự hỏi bản thân "Mình đi làm vì điều gì?".

Điều gì thôi thúc bạn bước ra khỏi nhà mỗi ngày? Là nghĩa vụ, là trách nhiệm với bản thân, gia đình, hay là đam mê, mong muốn được khẳng định bản thân? Hay đơn giản là sức ép từ cuộc sống buộc bạn phải kiếm tiền để trang trải?

Khi mà công việc luôn ẩn chứa vô vàn thách thức và áp lực: Deadline dồn dập, sếp khó tính, đồng nghiệp không hỗ trợ nhau, khối lượng công việc khổng lồ,... tất cả đều có thể khiến bạn cảm thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc.

Lúc đó, chính động lực làm việc sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn để vượt qua những khó khăn ấy. Khi bạn có mục tiêu rõ ràng, có niềm đam mê với công việc, và có tinh thần trách nhiệm cao, bạn sẽ cảm thấy hăng say và nhiệt huyết hơn.

Thông thường động lực có thể đến từ sự khích lệ và sự công nhận đồng nghiệp, bạn bè, gia đình hoặc cấp trên. Hay nhận được sự công nhận, lương cao, thưởng cao, thăng tiến trong công việc hoặc sự tôn trọng từ xã hội có thể tạo ra động lực để chúng ta tiếp tục phấn đấu và đạt được kết quả tốt hơn.

Động lực của bạn là gì?
Động lực của bạn là gì - Ảnh: BookingCare

Tuy nhiên, dường như bạn đã bỏ quên động lực nội tại. Động lực từ bên trong bản thân mình mới là nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất thúc đẩy con người vượt qua mọi khó khăn và thử thách để đạt được mục tiêu. Thay vì chỉ làm việc vì lương thưởng, làm việc vì được khen ngợi hãy nuôi dưỡng động lực nội tại bằng cách:

1. Xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng

Trong buổi phỏng vấn của BookingCare có một câu hỏi "Bạn nghĩ bạn ở đâu sau 3 năm nữa?". Dường như rất nhiều ứng viên nghe được câu hỏi này đều tỏ ra bất ngờ. Khi mà bạn làm việc chỉ vì mục tiêu ngắn hạn, làm việc chỉ để thời gian trôi qua, khi đó chúng ta dễ bị mất phương hướng, không biết bản thân muốn gì, bản thân cần gì.

Hãy dành cho bản thân một khoảng lặng, ngồi ngẫm lại và viết ra giấy câu trả lời cho những câu hỏi sau "Ba năm nữa tôi muốn đạt được điều gì trong sự nghiệp? Ba năm nữa tôi ở vị trí nào? Tôi muốn trở thành ai? Kỹ năng và kiến thức nào cần thiết để đạt được mục tiêu đó?". Việc trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn có định hướng rõ ràng, từ đó tạo động lực để học hỏi, phát triển và nỗ lực không ngừng.

2. Nuôi dưỡng đam mê

Đây là một loại động lực nội tại bên trong thúc đẩy bạn làm việc. Khi bạn thực sự yêu thích công việc của mình, bạn sẽ cảm thấy hứng thú và nhiệt huyết với từng nhiệm vụ được giao. Niềm đam mê sẽ thôi thúc bạn học hỏi những điều mới, sáng tạo và tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề.

Hãy dành thời gian để tìm hiểu về sở thích, tài năng và những điều bạn đam mê. Tìm kiếm những cơ hội để phát triển đam mê, tham gia các khóa học, hội thảo, cộng đồng liên quan. Chắc hẳn để chạm tay tới đam mê thì thất bại là một phần không thể thiếu của quá trình theo đuổi đam mê. Hãy coi đó là những bài học quý giá để bạn trưởng thành hơn.

 

 

3. Tìm kiếm ý nghĩa trong công việc

Hãy suy nghĩ về tác động tích cực mà công việc của bạn mang lại cho bản thân, cho người khác và cho xã hội. 

Bạn có thể tham gia vào các dự án cộng đồng, tham gia vào các tổ chức phi chính phủ, các công ty làm về những lĩnh vực ý nghĩa cho xã hội như Giáo dục, Y tế.... hay bất cứ lĩnh vực nào bạn mong muốn. Mỗi ngành nghề đều đóng góp vào sự phát triển của xã hội, sự hưng thịnh của mỗi quốc gia. Với bản thân bạn, công việc có thể đem lại niềm vui, mối quan hệ, sự công nhận của bạn bè, của gia đình.

Mỗi người sẽ tìm thấy ý nghĩa riêng trong công việc. Chỉ khi bạn nhận ra, bạn sẽ cảm thấy có trách nhiệm và động lực hơn để hoàn thành tốt công việc của mình.

4. Hái quả ngọt

Sau thời gian dài vất vả, giờ chính là lúc bạn dành thời gian để ghi nhận và ăn mừng những thành tựu của bạn, dù là việc nhỏ nhất. Việc này sẽ giúp bạn cảm thấy vui vẻ và có thêm động lực để tiếp tục tiến về phía trước. Và đừng quên tự thưởng cho bản thân những món quà hoặc trải nghiệm mà bạn yêu để cảm ơn chính bạn vì thời gian cố gắng vừa qua.

Chúng ta biết rằng nuôi dưỡng động lực nội tại là một quá trình lâu dài và cần sự kiên trì. Tuy nhiên, nó sẽ mang lại cho bạn những lợi ích to lớn, giúp bạn đạt được thành công trong sự nghiệp và cảm thấy hạnh phúc, viên mãn trong cuộc sống.

Hãy bắt đầu ngay hôm nay để nuôi dưỡng động lực nội tại của bạn! Và hãy nhớ rằng: Mỗi ngày đi làm không chỉ là để kiếm tiền, mà còn là để học hỏi, để phát triển bản thân, để cống hiến và để khẳng định giá trị của bản thân. Khi bạn làm việc với niềm đam mê và mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn hơn với công việc của mình.

 
 

Xuất bản: 27/06/2024, Cập nhật lần cuối: 29/07/2024

Nội dung chính
© 2024 BookingCare - Sản phẩm thử nghiệm.
Facebook/Youtube/linkedin/